
HỌC PIANO DỄ
Ngày nay việc học piano ngày càng dễ dàng và phổ biến. Tuy vậy để học piano một cách dễ dàng thì cũng cần có một số những bí quyết. StarsmusiQ Vietnam chia sẻ cùng các bạn một số bí quyết sau đây để người học piano tiếp thu bài học một cách dễ dàng:
- Cần xem việc học piano là một đầu tư nghiêm túc. Tương tự như khi cho con em đi học trung học phổ thông hoặc là học ngoại ngữ: có lịch học và thời gian biểu luyện tập rõ ràng từng ngày. Đừng đi học piano với tâm lý là được chăng hay chớ và chỉ luyện tập theo cảm hứng nhất thời.
- Gia đình nên có giờ nghe nhạc. Nghe nhạc giúp cho tai nghe phát triển và giúp cho trí tưởng tượng về âm nhạc phát triển. Thông thường ở gia đình nếu có hai anh em cùng học nhạc thì người em học sau thường là có kết quả học tập nhanh và tốt hơn người anh học đàn lúc trước. Đó là vì người em đã có thời gian nghe người anh luyện tập khá lâu trước khi mình được học đàn. Cái này gọi là “tuổi thơ em được tắm trong suối nhạc mỗi ngày”😄
- Tìm thầy cô giáo có kinh nghiệm sư phạm và được đào tạo bài bản để học: thầy cô giáo có kinh nghiệm sẽ giúp cho học trò vượt qua những khó khăn thông thường của các bài học một cách dễ dàng. Piano là 1 bộ môn nhạc cụ đòi hỏi phải được đào tạo bài bản. Nếu thầy cô là người không chuyên nghiệp thì không thể có đủ kiến thức và kỹ năng chơi đàn piano đúng cách để hướng dẫn cho người học đúng phương pháp.
Chỉ cần có 3 bước trên là việc học piano dễ như ăn kẹo vậy!
HỌC PIANO THÔNG MINH
Chúng ta vẫn thường hay nghe là học piano giúp cho trẻ thông minh hơn. Vậy chính xác là điều gì làm cho việc học piano lại giúp cho trẻ thông minh hơn?
Hãy cùng StarsmusiQ Vietnam phân tích những điều làm cho việc học piano giúp cho trẻ thông minh hơn nhé!
- Đầu tiên chúng ta cần phân tích bản chất của sự thông minh là gì? Đó là khả năng sử dụng não bộ với công suất cao nhất để đưa ra những tư duy và hành động hợp lý nhất.
- Đàn piano là một trong số rất ít nhạc cụ đòi hỏi người học phải sử dụng hai tay, hai chân và tư duy phức điệu nhiều bè.
Với các nhạc cụ khác, thông thường người chơi chỉ thực hiện hoặc là giai điệu, hoặc là phần đệm. Riêng piano cổ điển với những bài học về phức điệu nhiều bè, người học cần phải có tư duy và sử dụng hai bàn tay khéo léo để chơi được tương tự như ba – bốn người khác chơi nhạc cụ hòa tấu với nhau. Vì vậy người học Piano để chơi được những tác phẩm phức điệu thì cũng luyện tập cho mình khả năng phân tâm và tư duy đa nhiệm. Do đó não bộ phải làm quen với việc đa nhiệm gấp nhiều lần so với những hoạt động thông thường trong cuộc sống. - Từ (2) chúng ta có thể thấy: việc học piano cổ điển đủ lâu có thể giúp cho não bộ của người học phát triển nhiều hơn so với người không học piano. Và điều đó đáp ứng đúng với định nghĩa ở (1).
Vì sao là piano cổ điển? Vì ở nhạc nhẹ, kỹ năng phức điệu thường không được áp dụng trong bài học.


HỌC PIANO ONLINE
“Học piano mà học online à? Làm sao có hiệu quả được?”
“Học trực tiếp kia mà còn chưa thấy hiệu quả ở đâu nữa, nói chi học online!”
“Có nhiều chỗ dạy online lắm mà thấy toàn là tào lao gì đâu không à!”
Đó là những câu nói chúng tôi thường nghe khi bắt đầu.
Chúng tôi do dự lắm, vì piano là 1 nhạc cụ đòi hỏi phải có sự hướng dẫn tỉ mỉ trực quan thì mới có thể tiếp thu được bài học.
Khi dạy online qua màn hình của thiết bị, với cách dạy tương tự như khi dạy trực tiếp thì chắc chắn người học không thể tiếp nhận được hiệu quả như là học trực tiếp.
Chúng ta đang ở trong thời kỳ mà làm việc từ xa trở thành một xu hướng. Tuy nhiên, việc dạy học ở Việt Nam lại chưa bắt kịp với xu hướng này. Hầu hết các giáo viên đều không chuẩn bị cho tình huống phải giảng dạy từ xa. Họ vẫn giữ phương pháp truyền đạt như khi dạy trực tiếp. Vì vậy hiệu quả của giờ lên lớp giảm rõ rệt. Học viên cảm thấy không tập trung và chán học.
Vậy làm sao để khi học từ xa mà hiệu quả vẫn tốt?
Chúng tôi liệt kê ra một số những yếu tố và đưa ra giải pháp phù hợp để đem lại hiệu năng cao nhất.
- Học viên cần hiểu được nội dung bài học và cách thể hiện nội dung đó.
- Học viên cần hiểu được nguyên tắc của các động tác kỹ thuật khi chơi đàn để thực hiện đúng.
- Học viên cần được gỡ rối ngay những thắc mắc của mình trong bài học khi lên lớp.
Giải pháp của chúng tôi là: - Giáo viên phải đủ khả năng ngôn ngữ để diễn đạt được các nguyên tắc của những động tác kỹ thuật khi chơi đàn một cách dễ hiểu nhất.
- Giáo viên phải nghiên cứu kỹ giáo án của buổi dạy và đưa ra nhiều phương án tiếp cận khác nhau để đảm bảo học viên hiểu được nội dung của bài học.
- Chương trình học được bổ sung thêm một số môn bổ trợ. Thông qua bài tập của các môn bổ trợ học viên được trau dồi thêm kỹ năng và kiến thức. Chúng giúp cho học viên thấu hiểu và thực hiện dễ dàng bài học thực hành.
Chúng tôi đã làm được! Một method mới dạy piano online ra đời. 9 bộ giáo trình mới ra đời. 9 chương trình học mới ra đời.
Học viên của chúng tôi từ Bắc Mỹ và châu Âu cho đến các tỉnh thành ở Việt Nam đều có tiến độ học tập như dự kiến.
Với Light & Quick method, chúng tôi đem lại trải nghiệm cho học viên 1 giờ học thật nhẹ nhàng, thú vị để đạt hiệu quả chắc chắn.
Với StarsmusiQ, dạy online không còn là thách thức. Dạy piano online trở thành một cơ hội tuyệt vời. Cơ hội cho tất cả, cho Học viên và cho Thầy Cô.
HỌC PIANO TẠI NHÀ
Có những quý phụ huynh học sinh quan niệm là phải đi đến trung tâm để học đàn piano vì các con cần có nơi để giao lưu với nhau, từ đó mới phát triển kỹ năng giao tiếp cũng như khả năng chơi đàn sẽ tốt hơn.
Chính xác là: việc học đàn piano nói riêng, học tất cả các nhạc cụ khác nói chung, là những môn học cá nhân. Giờ học cần được thực hiện bởi một thầy một trò và trong một không gian riêng.
Để giao tiếp chúng ta có giờ nhạc hòa tấu. Ở đó các nhạc cụ hòa tấu với nhau trên tổng phổ được biên soạn rõ ràng.
Vì vậy giờ học ở trung tâm với nhiều nhạc cụ trong cùng 1 phòng học, dành cho nhiều người học với nhiều trình độ khác nhau, đàn nhiều bài khác nhau cùng lúc, là một hoạt động không sư phạm và không có lợi cho người học nếu không nói là gây hại.
Vì sao?
Vì khi học âm nhạc, bản chất của việc học đòi hỏi đôi tai của người học phải luôn lắng nghe. Nghe để biết mình đàn gì. Nghe để biết mình đàn có đúng với yêu cầu của giáo viên hay không. Khi trong một phòng học với nhiều âm thanh hỗn loạn thì đôi tai của học viên gần như là bị …” mù “, mà việc đó được lặp đi lặp lại ở tất cả các buổi học sẽ gây tác hại đến khả năng tư duy âm nhạc và cả kỹ năng chơi đàn.
Vì vậy, việc học đàn với tư duy là phải đến trung tâm để có thêm sự giao lưu là hoàn toàn không cần thiết. Phụ huynh học sinh nên chọn cho con mình một nơi có đủ điều kiện học tập: có giáo viên giỏi – có phòng học đủ tiêu chuẩn – học riêng một thầy một trò trong 1 giờ học.
Đó có thể chính là ngôi nhà của gia đình bạn.


AI TỰ HỌC PIANO ĐƯỢC?
Về nguyên tắc, ai cũng có thể tự học đàn, dù đó là nhạc cụ gì.
Nó chỉ khác khi người học tự đặt câu hỏi: mình học đàn để làm gì?
Mình mong muốn sẽ đạt được khả năng chơi đàn như thế nào?
Nếu câu trả lời là: “chẳng để làm gì hết” và “chơi sao cũng thấy hay mà!”. Xin chúc mừng bạn! Bạn là người thích hợp với việc tự học đàn piano.
Piano là 1 trong những nhạc cụ có cấu trúc phức tạp nhất. Vì vậy, để điều khiển nó như ý, người chơi cần được hướng dẫn một cách tỉ mỉ và đúng phương pháp.
Tự học piano phù hợp lý tưởng với hai trường hợp sau đây.
- Những người mới bắt đầu:
Do không biết gì nên đàn như thế nào cũng cảm thấy là hay lắm và đạt yêu cầu rồi. - Những người đã học qua trình độ cơ bản:
Đã được hướng dẫn toàn bộ các kỹ thuật và kiến thức cơ bản cần thiết cho người chơi đàn piano.
Với (1) có thể thấy sau thời gian rất lâu, khả năng chơi đàn vẫn chỉ ở mức độ sơ khai. Không thể đàn đúng với yêu cầu của hầu như tất cả các tác phẩm vì thiếu kiến thức và kỹ năng.
Ở (2) ngày một phát triển hơn, có thể trở thành một người chơi piano chuyên nghiệp.
Vậy, nếu bạn có một mục đích rõ ràng, bạn có thể dễ dàng lựa chọn giữa việc tự học đàn piano hoặc tìm một nơi dạy đàn piano đúng phương pháp để học.
LUYỆN NGÓN NHƯ THẾ NÀO?
Chúng ta vẫn thường hay nghe nói là học piano thì phải luyện ngón. Luyện ngón càng nhiều thì ngón càng linh hoạt, khả năng chơi piano càng hay.
Vậy luyện ngón như thế nào?
Chắc chắn không phải là cứ lấy những cuốn sách luyện ngón ra và cứ đàn hết bài này đến bài kia là trở thành người có ngón đàn giỏi. Nếu chỉ đơn giản như vậy thì người ta đã đóng cửa hết các học viện âm nhạc và các nghệ sĩ cũng không cần phải đi học 😃
Luyện ngón là một từ ngữ phổ thông. Chính xác là: tập luyện phương pháp để kiểm soát ngón tay chủ động hoàn toàn, để thực hiện được chính xác ý muốn của bản thân khi chơi đàn. Không chỉ luyện ngón để nhanh mà còn có luyện ngón để đàn chậm: vì piano khi chơi chậm thì cần độ ngân nga và chúng ta phải luyện để có thể đàn thật chậm mà tiếng đàn vẫn ngân nga để không bị đứt đoạn. Không chỉ luyện ngón để đàn mạnh mà còn có luyện ngón để đàn thật nhẹ: cũng như bức tranh có những khoảng tối và khoảng sáng, một bản nhạc cũng có những lúc phải đàn thật nhỏ mà vẫn cần phải rõ, không làm mất nốt.
Như vậy, việc luyện ngón là trang bị phương tiện kỹ thuật để thực hiện tư duy âm nhạc của người chơi đàn piano. Đó là một việc đòi hỏi sự tập trung, phân tích, vận động đúng phương pháp chứ không phải chỉ là việc của mười ngón tay mà không cần trí não.


HỌC PIANO CĂN BẢN LÀ HỌC GÌ?
Âm nhạc là một ngôn ngữ và như tất cả những ngôn ngữ khác, người học nhạc cũng cần thành thạo 3 kỹ năng là: đọc hiểu – nghe hiểu – và “nói”.
Học đàn piano căn bản là học các kiến thức và kỹ năng để:
Đọc hiểu: là nhìn vào bản nhạc là hiểu được hoàn toàn những thông tin mà tác giả đã viết, đồng thời cũng hiểu được cách thực hiện toàn bộ những thông tin đó để bản nhạc vang lên đúng ý nhạc của tác giả nhất.
Nghe hiểu: là kỹ năng nghe, phân tích và đánh giá toàn bộ thông tin âm nhạc của bản nhạc. Qua đó thấy được những nét hay, độc đáo của bản nhạc, đồng thời cũng thấy được những xử lý hợp lý – chưa hợp lý để bản thân sẽ chỉnh sửa để khi chơi được hay nhất, độc đáo nhất.
” Nói ” tức là kỹ năng chơi đàn. Chơi đàn đúng đắn, dễ nghe, làm cho người khác phải tập trung để nghe và say mê thưởng thức cái đẹp của âm nhạc.
Để đạt được 3 kỹ năng trên người học đàn căn bản cần được học các môn bổ trợ kiến thức và kỹ năng như: lý thuyết âm nhạc, luyện nghe, hoà âm, cấu trúc âm nhạc, lịch sử âm nhạc v.v… và tất nhiên là được hướng dẫn đúng phương pháp các kỹ năng chơi đàn piano.
Nếu không học đủ các bộ môn bổ trợ, người học sẽ không có được những kiến thức và kỹ năng căn bản của nghệ thuật chơi đàn piano.
TUỔI NÀO HỌC PIANO?
Chúng ta có thể từ bất kỳ độ tuổi nào để bắt đầu học một nhạc cụ. Riêng đối với piano thì độ tuổi lý tưởng để học đàn là khoảng 6 tuổi. Vì sao?
Vì đó là độ tuổi mà các giác quan của bé đã bắt đầu phát triển, đủ để cảm nhận, để điều khiển vận động, xác định được những yêu cầu từ người khác. Đó cũng là độ tuổi mà khả năng học hỏi bắt đầu chớm nở và các bé rất tò mò trước những cái mới, cái lạ và có nhu cầu thử xem mình có làm được không. Vì vậy tuổi bắt đầu đi học tiểu học của trẻ em trên toàn thế giới cũng ở từ độ tuổi này.
Ở độ tuổi nhỏ hơn ( từ 3 tuổi đến 5 tuổi ) vẫn có những bé nhạy cảm đặc biệt với âm nhạc. Có thể xem đây là độ tuổi phù hợp để tiếp xúc với âm nhạc. Ở độ tuổi này chương trình học gần giống như chương trình… chơi. Các bé được tiếp cận với các khái niệm và làm quen với những yếu tố phổ biến của âm nhạc như cao độ, tiết tấu, sắc thái, giai điệu v.v… Việc chơi đàn có thể thực hiện trên organ để phím đàn nhẹ hơn phím đàn piano, phù hợp với ngón tay của các bé. Giai đoạn này có thể xem như là bé làm quen với đàn nên các bài học có thể hoàn thành rất nhanh vì chủ yếu là để các bé cảm thụ trực tiếp âm thanh và tiết tấu. Học chơi đàn ở độ tuổi này ngoài việc giúp phát triển sự quan sát và hoạt động của đôi tay khéo léo còn làm cho bé có thêm kỹ năng tưởng tượng phong phú, kỷ năng xử lý linh hoạt – là những kỹ năng giúp cho cuộc sống thành công hơn khi trưởng thành.
Ở StarsmusiQ Vietnam, chương trình Little Stars dành cho bé từ 3 – 5 tuổi với Child Genius Method độc quyền không chỉ giúp bé phát huy tối đa tiềm năng âm nhạc mà còn giúp bé tập quen dần với kỹ năng sáng tạo, khả năng nhìn nhận bao quát và xử lý tình huống linh hoạt – những tố chất cần thiết cho tương lai thành công.


VÌ SAO NGƯỜI LỚN TUỔI NÊN HỌC PIANO
Người lớn tuổi đã dành toàn bộ tuổi thanh xuân của mình để đi làm. Nay khi tuổi lớn thì sức khỏe không còn được như xưa. Tay chân không còn mạnh mẽ nữa . Mắt cũng không còn tinh anh. May mắn là đầu óc vẫn còn minh mẫn với rất nhiều kinh nghiệm sống và đôi tai vẫn là giác quan còn sự tinh tường hơn các cơ quan/ bộ phận khác.
Người lớn tuổi có rất nhiều những bộ môn để giải trí: có thể tham gia các câu lạc bộ về dưỡng sinh; cờ vua/ cờ tướng; bóng bàn hay những môn thể thao khác nhẹ nhàng như khiêu vũ v.v. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta thì người lớn vẫn chưa phổ biến thói quen đi ra ngoài, đến các câu lạc bộ của những người bạn đồng niên giống như ở các nước khác. Người cao tuổi ở Việt Nam thường thích ở nhà quây quần bên con cháu. Vì vậy, lựa chọn một thú vui tao nhã để tốt cho sức khỏe là một điều rất nên làm. Học chơi 1 nhạc cụ là một lựa chọn lý tưởng.
Tại sao phải là đàn piano?
Vì piano là 1 nhạc cụ mà khi học đúng cách đem lại những sự vận động không chỉ cho hai tay mà còn là hoạt động toàn thân với tất cả các giác quan. Với sự hướng dẫn đúng phương pháp thì những bài học piano giống như những bài thể dục nhẹ. Trong đó vừa vận động tay, chân lại vừa chú ý đến hơi thở, thị giác và thính giác đều tập trung, trong khi vận động của cánh tay – bàn tay và ngón tay kết hợp với nhau chặt chẻ. Toàn bộ chuỗi vận động này rất tốt cho sức khỏe. Hãy quan sát, bạn sẽ thấy hầu hết những nghệ sĩ piano đều là những người sống thọ trên thế giới. Đó là vì khi luyện tập đúng cách thì những giờ tập đàn piano đem lại hiệu quả tốt cho sức khỏe tương tự như những giờ thiền định – khí công vậy.
Việc học đàn piano không dễ dàng đối với người lớn tuổi, nhất là khi mới bắt đầu. Sẽ mất khá nhiều thời gian để làm quen với các động tác. Tuy nhiên, người lớn tuổi thì cũng có thời gian nhiều hơn khi còn đi làm, nên có lẽ sẽ không có gì bất tiện.
Còn gì hay hơn khi một môn học vừa đem lại được sức khỏe cho bạn, lại vừa đem lại được niềm vui và sự tao nhã trong gia đình?